"Lối sống Mỹ" Lịch_sử_tư_tưởng_kinh_tế

Trước chiến tranh thế giới thứ hai, các nhà kinh tế Mỹ đóng vai trò không đáng kể. Trong thời gian này, các nhà kinh tế học định chế chủ yếu tập trung sự chỉ trích vào "lối sống Mỹ", một thứ chủ nghĩa tiêu dùng phô trương trong những năm hai mươi xa hoa ngay trước vụ đổ vỡ trên thị trường chứng khoán Phố Wall năm 1929. Tuy nhiên sau chiến tranh, Liên Xô và châu Âu là đống điêu tàn, đế quốc Anh sắp đi đến hồi kết và nước Mỹ đang trở thành một siêu cường không thể tranh cãi, nhất là về kinh tế. Một trường phái thiếu chính thống hơn bắt đầu bén rễ, chống lại phong cách tranh luận trong sáng dễ hiểu của Keynes và toán học hóa một cách phức tạp kinh tế học. Quan điểm kinh tế học truyền thống cũng bị thách thức bởi một nhóm các học giả có quan điểm cấp tiến ở Đại học Chicago. Họ thúc đẩy "giải phóng" và "tự do", muốn làm hồi sinh những chính phủ không can thiệp vào nền kinh tế như hồi thế kỷ 19.

Kinh tế học định chế

Thorstein Veblen xuất thân từ một gia đình nhập cư Na Uy vào miền trung tây nước Mỹ.

Thorstein Veblen (1857–1929), xuất thân từ vùng nông thôn miền trung tây nước Mỹ và làm việc ở Đại học Chicago, là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất sớm chỉ trích "lối sống Mỹ". Trong tác phẩm The Theory of the Leisure Class (1899, Học thuyết về giai cấp hưởng thụ), ông phê phán nền văn hóa chủ nghĩa vật chất và những người giàu có tiêu dùng phô trương sự giàu có của họ để khoe khoang thành công và trong tác phẩm The Theory of Business Enterprise (1904, Học thuyết về đế chế kinh doanh), Veblen phân biệt sản xuất những hàng hóa hữu dụng cho con người và sản xuất thuần túy vì mục tiêu lợi nhuận. Ông tranh luận rằng các doanh nghiệp luôn theo đuổi điều sau khiến điều trước bị cản trở. Sản lượng và tiến bộ công nghệ bị hạn chế bởi các thói quen kinh doanh và việc tạo ra những độc quyền. Các doanh nghiệp bảo vệ đầu tư tư bản hiện hữu của họ và vay mượn quá trớn, dẫn tới suy thoái và gia tăng chi tiêu quân sự và chiến tranh vì các doanh nghiệp kiểm soát quyền lực chính trị. Hai cuốn sách này, tập trung sự chỉ trích trước hết vào chủ nghĩa tiêu dùng và sau đó là vào việc tìm kiếm lợi nhuận, không nói gì về những thay đổi. Tuy nhiên, năm 1911, Veblen gia nhập Đại học Missouri, nơi ông ủng hộ Herbert Davenport, trưởng khoa kinh tế của trường. Veblen ở lại Columbia, Missouri tới năm 1918. Năm đó, ông chuyển sang New York và bắt đầu làm biên tập viên cho tạp chí The Dial, rồi năm 1919, cùng với Charles A. Beard, James Harvey RobinsonJohn Dewey, ông chung tay thành lập trường đại học nay là The New School ở New York. Ông cũng là thành viên Liên minh kỹ thuật,[75] do Howard Scott sáng lập năm 1999. Từ 1919 tới 1926, Veblen tiếp tục viết và tham gia hàng loạt hoạt động ở The New School. Trong thời kỳ này ông viết tác phẩm The Engineers and the Price System (1921, Các kỹ sư và hệ thống giá cả).[76]

John R. Commons (1862–1945) cũng đến từ vùng trung tây nước Mỹ. Nhấn mạnh những ý tưởng của ông trong tác phẩm Institutional Economics (1934, Kinh tế học định chế), Commons cho rằng nền kinh tế là một mạng lưới các mối quan hệ giữa nhiều người với các quan tâm khác nhau. Có những doanh nghiệp độc quyền, các tập đoàn lớn, tranh chấp lao động và chu kỳ kinh doanh. Tuy nhiên, họ có lợi ích trong việc giải quyết những tranh chấp này. Commons cho rằng các chính phủ phải đóng vai trò người trung gian giữa các nhóm xung đột. Bản thân Commons dành nhiều thời gian làm việc trung gian và tư vấn trong các ủy ban công nghiệp của chính phủ.

Adolf Augustus Berle, Jr. cùng Gardiner Means là những thành viên sáng lập của quản trị công ty hiện đại.

Cuộc Đại khủng hoảng là thời gian có những thay đổi mang tính đảo lộn ở Mỹ. Một trong những đóng góp đầu tiên tìm hiểu tại sao mọi việc lại trở nên tồi tệ như vậy xuất phát từ một luật sư ở Đại học Harvard tên là Adolf Berle (1895–1971), người giống như John Maynard Keynes, đã từ nhiệm cương vị ngoại giao của mình ở Hội nghị hòa bình Paris năm 1919 và hết sức thất vọng vì Hòa ước Versailles. Trong cuốn sách của ông với Gardiner C. Means, The Modern Corporation and Private Property (1932, Công ty hiện đại và tài sản tư nhân), ông đã vạch ra chi tiết về quá trình tiến hóa của nền kinh tế hiện đại thông qua các doanh nghiệp lớn, và tranh luận rằng những ai quản lý các công ty lớn phải có trách nhiệm lớn hơn với xã hội. Hội đồng quản trị của các công ty này phải chịu trách nhiệm với các cổ đông của công ty theo các quy định trong luật doanh nghiệp. Điều này bao gồm quyền bầu và sa thải các thành viên ban giám đốc, yêu cầu triệu tập những cuộc gặp mặt chung thường kỳ, các tiêu chuẩn kiểm toán... Ở nước Mỹ những năm 1930, luật doanh nghiệp điển hình (chẳng hạn như ở bang Delaware) không hề đề cập những quyền đó. Berle lập luận rằng những giám đốc các công ty không phải chịu trách nhiệm, do đó họ có thể tuồn thành quả lợi nhuận kinh doanh vào túi riêng, quản trị vì lợi ích cá nhân của họ. Điều này càng dễ thực hiện khi phần lớn các cổ đông ở những công ty đại chúng chỉ là các cá nhân đơn lẻ, với ít phương tiện liên lạc với nhau, một cách ngắn gọn, bị chia rẽ và dễ bị khuất phục. Berle làm trong chính phủ của Tổng thống Franklin Delano Roosevelt trong suốt cuộc khủng hoảng và là thành viên chủ chốt của nhóm "Brain trust" đã phát triển rất nhiều chính sách cụ thể trong Chính sách kinh tế mới. Năm 1967, Berle và Means ấn hành một phiên bản đã sửa chữa của tác phẩm trước kia, với lời giới thiệu gồm những ý tưởng mới. Họ muốn không chỉ tách biệt những người điều hành công ty và chủ của công ty. Họ đặt câu hỏi về việc mục đích thực sự của cấu trúc doanh nghiệp là gì.

Những người nắm giữ chứng khoán không làm việc vất vả để kiếm được lợi tức từ cổ tức hoặc giá cổ phiếu tăng. Họ hưởng lợi đơn giản bởi vị trí của họ. Lý lẽ cho việc thừa kế cổ phần của họ... chỉ là trên những cơ sở xã hội... lý giải đó đưa chúng ta tới vấn đề về việc phân phối cũng như tồn tại của cải. Sự giàu có chỉ được chia sẻ trực tiếp cho một số những cá nhân đã có sẵn sự giàu có (tức các cổ phiếu). Sự biện minh cho việc tồn tại của những người nắm giữ cổ phần do đó phụ thuộc vào việc gia tăng phân bổ của cải cho người dân Mỹ. Lý tưởng thì vị trí của những người nắm giữ cổ phần chỉ vững vàng khi mọi gia đình Mỹ có phần chia trong vị trí và sự giàu có đó.[77]

John Kenneth Galbraith

John Kenneth Galbraith bắt đầu sự nghiệp với tư cách một nhân vật nòng cốt trong Chính sách kinh tế mới của chính phủ Tổng thống Franklin Delano Roosevelt trong thời kỳ Đại khủng hoảng. Một phỏng vấn với ông vào đầu những năm 1990 có thể xem được ở đây.[78]

Sau chiến tranh, John Kenneth Galbraith (1908–2006) trở thành một kinh tế gia điển hình ủng hộ vai trò can thiệp tích cực của chính phủ và nền chính trị tự do-dân chủ. Trong tác phẩm Affluent Society (1958, Tầng lớp giàu có), Galbraith tranh luận các cử tri đạt tới sự giàu có nhất định về vật chất sẽ bỏ phiếu chống lại hàng hóa công. Ông cho rằng "trí tuệ thông thường" của những người bảo thủ không đủ để giải quyết vấn đề bất công xã hội.[79] Trong thời đại của các doanh nghiệp lớn, ông cho rằng sẽ là không thực tế khi nghĩ về các thị trường theo đẳng cấp. Các doanh nghiệp lớn định giá và sử dụng quảng cáo để tạo ra cầu nhân tạo cho các sản phẩm của họ, bóp méo sự ưa thích thực sự của người tiêu dùng. Sự ưa thích tiêu dùng thực ra là phản ánh mong muốn của các tập đoàn lớn, một "hiệu ứng phụ thuộc", và nền kinh tế như một tổng thể sẽ lao vào những mục tiêu sai lầm.[80] Trong tác phẩm The New Industrial State (Nhà nước công nghiệp mới), Galbraith tranh luận rằng các quyết định kinh tế được lên kế hoạch bởi một cấu trúc tư nhân-quan liêu, một cấu trúc kỹ trị của các chuyên gia lũng đoạn thị trường và các kênh truyền thông. Hệ thống này phục vụ lợi ích bản thân của cấu trúc đó, lợi nhuận đơn lẻ không còn là động cơ chính và ngay cả các giám đốc công ty cũng không còn nắm quyền kiểm soát. Vì họ là những người lên kế hoạch mới, các tập đoàn căm ghét rủi ro và đòi hỏi nền kinh tế cũng như thị trường ổn định. Họ mua đứt các chính phủ để phục vụ mục đích của mình thông qua chính sách tài khóa và tiền tệ, chẳng hạn như dính chặt lấy các chính sách của những người trọng tiền giúp làm giàu cho những người cho vay ở đô thị thông qua tăng lãi suất. Trong khi các mục tiêu của một tầng lớp giàu có và chính quyền đồng lõa với tầng lớp đó phục vụ cho cấu trúc kỹ trị phi lý, số đông dân chúng sẽ dần trở nên nghèo đi. Galbraith mô tả bức tranh giống như bước từ những căn biệt thự áp mái giàu có xuống các đường phố không được lát vỉa hè, từ những khu vườn cảnh quan lộng lẫy tới những công viên công cộng nhếch nhác. Trong tác phẩm Economics and the Public Purpose (1973, Kinh tế học và mục đích công cộng), Galbraith bảo vệ "chủ nghĩa xã hội mới" như giải pháp cho những bất công đó, quốc hữu hóa sản xuất của quân đội và các dịch vụ công như phúc lợi y tế, áp đặt mức lương tối thiểu và kiểm soát giá cả là các biện pháp để giảm bất bình đẳng.

Paul Samuelson

Paul Samuelson đã viết những sách giáo khoa kinh tế học bán chạy nhất.

Trái với phong cách hùng hồn của Galbraith, kinh tế học sau chiến tranh bắt đầu tổng hợp phần lớn tác phẩm của John Maynard Keynes bằng diễn giải toán học. Các khóa học kinh tế học nhập môn ở đại học bắt đầu bằng cách giới thiệu kinh tế học như một khoa học thống nhất được diễn giải dưới hình thức tổng quát hóa các quan điểm tân cổ điển. "Kinh tế học thực chứng" là cụm từ được tạo ra để mô tả những khuynh hướng nhất định trong các quy luật kinh tế học có thể được quan sát một cách khách quan và được mô tả thông qua các giá trị thực tế, tách biệt với "kinh tế học chuẩn tắc" thông qua suy luận và đánh giá. Người viết sách giáo khoa bán chạy nhất ở thế hệ này chính là Paul Samuelson (1915–2009). Luận văn tiến sĩ của ông là một nỗ lực chứng tỏ rằng các phương pháp toán học có thể trở thành cốt lõi cho việc diễn giải các học thuyết kinh tế. Luận văn được xuất bản thành sách, Foundations of Economic Analysis (Những nền tảng của phân tích kinh tế học) vào năm 1947. Samuelson bắt đầu với hai giả định mang tính tiên đề. Thứ nhất, các cá nhân và công ty hành động để tối đa hóa lợi ích của họ. Thứ hai, các thị trường có khuynh hướng hướng tới điểm cân bằng thị trường về giá cả, khi cầu bằng với cung. Ông mở rộng các phương pháp toán học để mô tả hành vi cân bằng của các hệ thống kinh tế, bao gồm cả học thuyết mới về kinh tế vĩ mô của John Maynard Keynes. Trong khi Richard Cantillon áp dụng các nguyên lý về trọng lực và các định luật cơ học của Isaac Newton vào thị trường cạnh tranh,[81] những người trọng nông sao chép hệ tuần hoàn máu để áp dụng vào mô hình thu nhập của họ, William Jevons phát hiện các chu kỳ tăng trưởng trùng với các chu kỳ của các vết đen Mặt Trời, Samuelson áp dụng lý thuyết nhiệt động lực học vào lý thuyết kinh tế. Đánh giá lại kinh tế học như một khoa học cứng cũng được thực hiện ở Anh và một trong những "phát hiện" được biết đến nhiều nhất là của A. W. Phillips về sự tương quan giữa lạm phátthất nghiệp. Kết luận chính sách của phát hiện này là để bảo đảm toàn dụng việc làm, thì phải đánh đổi bằng lạm phát cao. Samuelson đã kết hợp ý tưởng của đường cong Phillips vào tác phẩm của ông. Paul Samuelson được trao giải Nobel kinh tế học vào năm 1970 vì sự kết hợp toán học với kinh tế chính trị học của ông.

Kenneth Arrow

Kenneth Arrow, trả lời phỏng vấn (1/09) trong cuộc khủng hoảng tài chính 2007–2010 ở đây.[82]

Kenneth Arrow (s. năm 1921) là em rể của Paul Samuelson. Tác phẩm lớn đầu tiên của ông, luận văn tiến sĩ tại Đại học Columbia là Social Choice and Individual Values (1951, Lựa chọn xã hội và các giá trị cá nhân), đưa kinh tế học tương tác với lý thuyết chính trị. Tác phẩm này mở đường cho học thuyết về lựa chọn xã hội và định lý về sự bất khả của Arrow. Theo lời ông,

Nếu chúng ta loại trừ khả năng những so sánh giữa các cá nhân về độ thỏa dụng, thì các phương pháp duy nhất chuyển từ sở thích cá nhân sang sở thích xã hội, điều được xác định là hàng loạt các sự ưa thích cá nhân khác nhau, hoặc là bị ép buộc, hoặc là độc đoán.[83]

Lập luận này gây ra tranh luận lớn trong cách diễn giải những điều kiện khác nhau của định lý và ý nghĩa của nó với nền dân chủ và phổ thông đầu phiếu. Gây tranh cãi nhiều nhất trong bốn (1963) hoặc năm (1950-1951) điều kiện của ông là sự độc lập của các nhân tố thay thế không tương quan.

Trong những năm 1950, Arrow và Gérard Debreu phát triển mô hình Arrow–Debreu về cân bằng tổng quát. Năm 1971, Arrow cùng Frank Hahn đồng tác giả cuốn General Competitive Analysis (1971, Phân tích so sánh tổng quát), trong đó đánh giá lại học thuyết về cân bằng tổng quát của giá cả thông qua nền kinh tế. Năm 1969, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển bắt đầu trao một giải thưởng cho kinh tế học, tương đương với các giải Nobel trong những lĩnh vực hóa học, y học, vật lý, văn học và hòa bình (dù Alfred Nobel không hề đề cập điều đó trong di chúc của ông). Cùng John Hicks, Arrow giành giải thưởng của Ngân hàng Trung ương Thụy Điển năm 1972, người nhận giải trẻ nhất từ trước tới đó. Năm trước đó, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã tuyên bố "Giờ thì tất cả chúng ta đều là những người Keynes".[84] Điều mỉa mai nằm ở chỗ tuyên bố đó khởi đầu cho một cuộc cách mạng mới trong tư duy kinh tế học.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lịch_sử_tư_tưởng_kinh_tế http://socserv2.mcmaster.ca/~econ/ugcm/3ll3/veblen... http://www.dictionaryofeconomics.com/article?id=pd... http://www.lewrockwell.com/rothbard/rothbard200.ht... http://anarchism.pageabode.com/pjproudhon/system-o... http://anarchism.pageabode.com/pjproudhon/system-o... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,8... http://www.youtube.com/watch?v=UzhD7KVs-R4 http://www.youtube.com/watch?v=jNgfIH5pyxg http://www.youtube.com/watch?v=muUjNWIeDZg http://homepage.newschool.edu/het//profiles/malthu...